image banner
Lịch sử xã Cự Đồng
Lượt xem: 181

Từ rất sớm, Cự Đồng đã là nơi sinh sống của một bộ phận người Mường. Theo tài liệu để lại và qua các bậc cao niên cho biết, người Mường là chủ nhân đầu tiên của vùng đất này, gồm nhiều họ cùng sinh sống như Đinh, Phùng, Hoàng, Hà và Nguyễn. Đại đa số người Mường ở đây có gốc tích từ vùng Kỳ Sơn - Hòa Bình. Theo gia phả một số họ để lại, cách đây hàng chục đời, tổ tiên của họ đã đến đất này sinh cơ lập nghiệp, trong đó họ Đinh chiếm ưu thế nhất, dần dần trở thành tầng lớp trên của xã hội người Mường và giữ các chức quan lang, thổ tù - những vị trí chủ chốt đứng đầu làng xóm. Dòng họ Đinh từ đó lập nên nhà thờ họ ở xóm Đồn.


Ngoài người Mường, ở đây còn có người Kinh đến định cư và sinh sống theo từng thời gian và từ nhiều vùng khác nhau. Năm 1945, một số hộ đồng bào ở Thái Bình lên sinh sống. Năm 1949, một số hộ đồng bào ở Đoan Hạ (Thanh Thủy) tản cư vào. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế - văn hóa miền núi, năm 1963, có 20 hộ đồng bào ở tỉnh Sơn Tây đến xây dựng kinh tế mới. Năm 1964,97 hộ với 500 khẩu đồng bào ở Hà Nội đến khai hoang. Năm 1973, có 33 hộ ở Hoàng Xá (Thanh Thủy) vào sinh sống. Như vậy, từ năm 1960 trở lại đây, đã có nhiều đợt đồng bào ở vùng xuôi theo tiếng gọi của Đảng đi khai hoang xây dựng kinh tế mới miền núi đã đến vùng đất Cự Đồng. Đồng bào Kinh - Mường luôn thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, nhường cơm, xẻ áo cho nhau những lúc khó khăn hoạn nạn để cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Về dân số, trước đây dân cư còn thưa thớt, mỗi xóm chỉ có vài hộ, mỗi nóc nhà cách nhau vài cây số, còn lại là rừng núi rậm rạp. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả xã mới có 113 hộ với 586 nhân khẩu sinh sống ở 9 xóm. Đến năm 1998, tổng dân số toàn xã có 822 hộ với 4.027 nhân khẩu. Đến năm 2018, toàn xã có 1.165 hộ với 4.950 nhân khẩu, trong đó người Mường chiếm 71,5%, người Kinh chiếm 27,9%, người dân tộc khác chiếm 0,6%.


Về đời sống vật chất, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người Mường ở Cự Đồng cũng như các địa phương khác của miền núi chủ yếu sống tự cấp, tự túc dựa vào trồng lúa nước, lúa nương và các loại cây hoa màu. Một phần dựa vào hái lượm, săn bắn các loại sản vật tự nhiên trên rừng như hoa, quả, củ, rau rừng và các loại chim thú.


Phần lớn các gia đình ở đây làm nhà sàn để ở, vật liệu chủ yếu lấy từ rừng. Cột nhà thường đục mộng thẳng tra nêm, hoặc bổ ngoãm buộc lạt giang, dây rừng. Nhà khá hơn thì dùng cột lõi chôn dông. Vách đan phên nứa, sàn làm bằng bương hoặc nứa lát. Mái nhà được lợp bằng lá cọ hoặc cỏ gianh lấy ở trên rừng, trên đồi. Nhà thường làm 3 - 4 gian, bốn mái hình mu rùa. Lối đi lên nhà bằng cầu thang ở 1 hoặc 2 đầu hồi. Dưới gầm sàn thường được quây làm chuồng nhốt trâu, bò, lợn và gà, vịt để phòng trộm cắp hoặc thú dữ.


Khác với người Kinh và nhiều dân tộc ít người khác, phụ nữ và đàn ông người Mường đều để tóc dài búi tó trên đầu, dùng trâm bằng bạc hoặc bằng xương để cài. Phụ nữ thì búi ra phía sau, đầu đội khăn. Đàn ông thì búi trên đỉnh đầu. Răng được nhuộm đen bằng lá, nhựa cây trên rừng.


Quần áo của nam giới mặc giống người Việt ở miền xuôi. Áo có 4 thân, quần ống rộng, dùng thắt lưng vải buộc về phía trước. Nữ giới mặc váy rộng quấn quanh, trên cạp váy có in hoa văn đẹp nhiều màu. Váy nhuộm tràm thâm đen, áo ngắn màu trắng khuy cài chéo trước ngực. Người Mường tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải may quần áo, vỏ chăn, màn... Các gia đình giàu có hơn thì mặc các đồ đắt tiền như quần lĩnh, áo the, khăn xếp...


Người Mường Cự Đồng có tập quán ăn cơm nếp là chính nên lúa nếp ruộng và lúa nương được trồng nhiều nhưng chỉ làm vào vụ mùa, còn vụ chiêm để đất hoang hóa. Lúa chín được gặt thành gồi, đóm để phơi khô ở ngoài đồng, sau gánh về cất giữ ở kho, lẫm, trên gác. Lúc nấu mới đem ra vò chân hoặc cho vào đuống đâm xong cho vào cối giã thành hạt gạo.


Các giống lúa thường trồng là lúa Lào, lúa Hin, lúa Gié, lúa Bốc, lúa Quà đen, nếp Ri, nếp cái Hoa Vàng... vùng Thanh Sơn nói chung trong đó có Cự Đồng, người dân trồng nhiều lúa Cầm nương, hạt đen như màu mận chín, thường được ủ men làm rượu rất bổ, tết lễ nhà nào cũng có. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại ngô nếp, sắn, khoai, kê, khoai nương... Trong bữa ăn hàng ngày của người dân Cự Đồng có các sản vật kiếm được ở tự nhiên là chính như: rau, quả, cá, tôm, cua... Trước kia, chăn nuôi mang tính quảng canh nên năng suất đạt thấp, thực phẩm do con người làm ra từ chăn nuôi còn hạn chế, chỉ có những ngày lễ, tết hoặc có đại sự như làm nhà, ma chay, cưới xin... mới mổ trâu hoặc lợn. Trâu, bò, thịt thú, khi mổ không làm nước sôi mà đem thui vàng, cạo sạch. Đồ uống trong bữa ăn là rượu nấu từ gạo, sắn, chuối, ướp từ men lá, thuốc bắc do người dân tự làm. Phụ nữ Mường có tập quán hay ăn trầu như phụ nữ Kinh vùng xuôi. Nam giới hay hút thuốc lào hoặc thuốc lá tự trồng. Người dân địa phương còn biết sử dụng các loại rễ, lá cây tự nhiên có giá trị bổ dưỡng, mát lành để nấu làm nước uống hoặc lấy lá chè trên rừng về sao khô hoặc đun tươi để uống có lợi cho sức khỏe.


Vật dụng trong gia đình rất đơn giản. Đồ đựng thường được đan bằng mây, tre, giang, nứa. Đồ nấu bằng nồi đất, nồi đồng, các nhà giàu có hơn thì dùng chậu đồng, nồi đồng, chiêng đồng...


Nước dùng sinh hoạt được người dân ở đây lấy trực tiếp ở các suối. Một số xóm có giếng khơi ở cạnh ruộng để lấy nước ăn. Dân làng thường kiêng đào giếng vì cho rằng động làng, chỉ có các thổ lang mới được đào giếng để lấy nước ăn. Dân Mường đựng nước vào ống bương hoặc ống nứa đại to bằng bắp chân. Ống để dài 3 - 4 gióng đục thông đốt cây còn gọi là suồng nước (hay thuồng), mỗi nhà có từ 3 - 4 ống. Để có được nứa to làm ống đựng nước, người dân Cự Đồng phải đi bộ mất một ngày đường xuống tận xóm Trung Đồng, Thục Luyện (Đồng Cỏ). Do tập quán sinh hoạt như vậy nên ở vùng người Mường có câu truyền lại “Cơm xôi, nhà gác, nước vác, lợn thui”.


Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, Cự Đồng cũng có nhiều người tài giỏi, có người được làm quan. Theo các cụ già làng kể lại; cụ Đinh Thế Tề quê xã Cự Đồng làm quận công thời nhà Mạc. Tiếp đến, ông Đinh Thế Quyền, con cụ Tề làm đô đốc trong triều đình. Ông Phùng Thế Mạnh có sức khỏe có thể vật ngã một con bò mộng, trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, làm cho hội vật Ba Vì không dám mời ông thi đấu. Ông Đinh Văn Kết cũng là người có sức khỏe phi thường, một mình vác được một cột nhà sàn bằng lõi tấu dài 10 - 12 thước...


Về tín ngưỡng tôn giáo: Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, Nhân dân xã Cự Đồng còn thờ thành hoàng làng hay các vị thần linh mà người dân tin sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, sản xuất phát triển, ngô lúa được mùa, con người tránh được bệnh tật ốm đau...


Tín ngưỡng thần linh tiêu biểu thể hiện rõ nét là thờ các thành hoàng bản thổ và thờ Tản Viên Sơn Thánh (Đức Thánh Tản Viên). Toàn xã có 4 ngôi đình, 1 ngôi chùa xây bằng gạch và 5 ngôi đền thờ ở các xóm như xóm Chón, Đồng Nghìa, Đồng Sen, Kim Thịnh, Minh Khai. Đình Dân được xây dựng ở gò đất giữa đồng - nơi trung tâm xã (nay là nghĩa địa ở xóm Liên Đồng). Đình xóm Hãn đặt ở đầu làng Minh Khai (nay là khu dân cư). Đình xóm Thắng Sơn ở gò đầu làng nhìn ra ao sen xóm Quyết Tiến bây giờ. Chùa Trại được xây bằng gạch gần 3 gian, có bia đá thờ để ở gian giữa gọi là cung. Chùa có tường xây bao quanh, sân rộng thoáng mát, nơi làm chùa xưa nay làm ao cá của xóm. Lễ chùa khi xưa diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng. (Đề nghị Ban Sưu tầm bổ sung 1 ngôi đình còn thiếu)


Hằng năm, trên địa bàn xã có các ngày lễ lớn: Lễ đình Dân và đình Thắng Sơn vào ngày 11 - 12 tháng 6 và ngày 12 - 13 tháng 11 âm lịch. Ở đình Hãn, lễ tổ chức vào các ngày 12 - 13 tháng 6 và ngày 12 - 13 tháng 11 âm lịch. Ở đình Trại tổ chức lễ vào các ngày 14 - 15 tháng 6 và 14 - 15 tháng 11 âm lịch. Hằng năm, trong các ngày lễ tiệc ở đình được tổ chức với nhiều hình thức rước sách, tế lễ, rước kiệu linh đình gây nhiều tốn kém. Hằng năm còn diễn ra các trò vui chơi như đu quay, đu chà (đu 2 người), ném còn, ném đúm, hát rang, hát ví. Khi tổ chức ném còn, ném đúm thì nam nữ chia làm hai bên hát ví, hát đối nhau. Nếu ai ném còn trúng vòng trên ngọn cột cao khoảng 10 -15m thì được thưởng. Các trò chơi khác cũng đều có giải thưởng động viên người đạt thành tích cao. Nhìn chung trong các dịp lễ hội, ngoài việc thể hiện yếu tố tín ngưỡng về thần linh thì trong các trò vui chơi giải trí còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho mùa màng bội thu và bên cạnh đó là sự thách đố, thi thố về tài năng, về sức khỏe...


Tuy nhiên trong các thôn xóm ở xã Cự Đồng xưa kia tồn tại một tập tục lạc hậu đó là tang ma. Người chết được người nhà báo đến lý trưởng và phải mời các hàng chức sắc như quan viên, kỳ mục, chánh phó lý, trưởng xã đến ăn uống; phải có phần đem đến tận nhà gồm xôi - thịt - rượu và một khoanh thịt cổ chưa chín (gọi là khoanh bí, vai lợn) cho chánh - phó lý. Trong những ngày tang chế, trong họ cấm không được vui chơi ca hát, không được làm các việc đại sự khác. Việc làm ma cho người chết kéo dài trong 2 - 3 ngày với nhiều nghi lễ bày đặt, gây rất nhiều tốn kém cho gia chủ. Người chết được chôn cất trên các gò cao, sau 3 năm giỗ hết là đoạn tang, hằng năm không giỗ lễ và không cải táng.


Về việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi, trai gái người Mường được tự do tìm hiểu, yêu đương. Khi đồng ý lấy nhau, các cặp trai gái phải qua nhiều bước. Từ lúc dạm hỏi đến khi cưới thường kéo dài 2 - 3 năm. Lễ cưới phải có trầu, cau, rượu, gạo và 3 con lợn trở lên. Nhà khá giả còn có cả một con trâu. Trong thời gian từ khi hỏi đến lúc cưới, vào các ngày tết, lễ trong năm, nhà trai phải lo phần bằng xôi - thịt, bánh cho nhà bố mẹ vợ chưa cưới. Nếu không lo được thì nhà gái không gả con cho nữa.


Trong việc đặt vấn để tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái, ông mối (ông mờ) là người giữ vai trò quan trọng, thay bố mẹ nhà trai thưa chuyện, bàn bạc mọi vấn đề với bên nhà gái. Sau khi cưới, suốt đời cặp vợ chồng này phải thăm hỏi, đưa lễ, tết cho ông “mờ” như bố mẹ đẻ.


Thời phong kiến thực dân, nếu con gái nhà nào mang thai thì bị người nhà lý trưởng đánh, trói và gia đình bị phạt và phải mổ lợn nái làm cỗ cho cả làng ăn. Ở những nhà giàu có thì hôn nhân còn mang nặng tính “Môn đăng hộ đối”. Còn những người nghèo khó không đủ tiền để cưới vợ thì ở vậy hoặc suốt đời làm lụng vất vả để trả nợ cưới.


Trong quá trình sinh sống và cư trú, Nhân dân xã Cự Đồng đã đúc kết được những kinh nghiệm quý từ cuộc sống và trong lao động sản xuất, tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp. Trong canh tác lúa nước, Nhân dân đã biết đắp đập, đắp phai ngăn suối để lấy nước tưới cho đồng ruộng, khai phá, cải tạo chằm lầy để mở mang diện tích cày cấy. Ngay từ rất sớm, các gia đình người Mường ở Cự Đồng đã biết trồng bông, tự làm ra khung cửi, xe sợi để may quần áo, chăn màn... phục vụ cho cuộc sống. Nhiều hộ còn trồng dâu nuôi tằm để ươm tơ, lấy sợi dệt ra các loại vải có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao như trồi, lĩnh,và làm chỉ đan lưới đánh cá. Khi chưa có dầu hỏa và điện, Nhân dân địa phương đã ép các loại quả, hạt có dầu như trẩu, sở, dọc dể làm chất đốt. Do sống ở vùng rừng núi rậm rạp có nhiều thú dữ như hổ, báo, gấu... nên Nhân dân sớm tự chế ra tên tẩm thuốc độc bằng các loại nhựa cây trên rừng để phòng hoặc tiêu diệt những loại thú dữ đe doạ tính mạng của mình hoặc phá hoại hoa màu. Người Mường thường mặc quần áo nhuộm chàm. Để trang trí nhuộm màu quần áo, người dân dùng chất liệu chiết xuất từ lá cây tự nhiên để nhuộm vải. Đặc biệt, chiếc cạp váy của người Mường thể hiện tài năng khéo léo và kỹ thuật tinh tế của người phụ nữ. Bên cạnh đó, Nhân dân địa phương còn dùng một số loại củ, lá cây để nhuộm gạo xôi thành những màu vàng, đỏ, xanh, tím... (gọi là cơm coồng), có giá trị làm thuốc bồi bổ sức khỏe. Từ các loại cây bương, tre, nứa, giang trên rừng, bằng bàn tay khéo léo, người dân Cự Đồng đã làm ra các loại bồ, sọt, nong nia, thúng mủng làm đồ đựng; làm nơm, đăng, lờ, đó để bắt cá, tôm.


Với điều kiện tự nhiên và xã hội như vậy, Nhân dân xã Cự Đồng dù là người Kinh hay người Mường đã và sẽ tạo dựng cuộc sống  yên ấm, hạnh phúc. Nhưng từ khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị, tình hình chính trị - xã hôi ở Cự Đồng đã có nhiều thay đổi.


Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền thực dân lập ra bộ máy cai trị từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp tỉnh đứng đầu là viên Công sứ người Pháp, giúp việc có Tuần phủ là người Việt. Ở huyện, đứng đầu huyện có tri huyện, tri châu (miền núi). Ở huyện Thanh Sơn, chúng còn lập ra đồn binh người Pháp, cử trung đội lính khố xanh trấn giữ, có cai đội và lính cơ bảo vệ. Dưới huyện (hoặc châu) có chánh tổng, phó chánh tổng, thường là những địa chủ người địa phương có thế lực nắm toàn bộ quyền hành cai trị dân. Dưới tổng là làng, các hàng chức sắc như tiên chỉ, thứ chỉ (là cố vấn), lý trưởng quản toàn quyền làng xã; phó lý, chánh hội, thư ký, hộ lại, trương tuần, quản xã giúp việc. Ở xóm, thôn miền núi còn có các thổ lang, thổ tù, ông ngài cai quản, là những người thuộc dòng dõi cha truyền con nối, có thế lực chi phối mọi hoạt động ở địa phương. Đây là tàn dư của chế độ phong kiến tập quyền địa phương vùng dân tộc miền núi.


Với bộ máy cai trị như vậy, dưới chế độ thực dân phong kiến, Nhân dân Cự Đồng cũng như Nhân dân cả nước phải sống kiếp nô lệ, chịu bao cực khổ, đói rách. Thực dân Pháp bóc lột Nhân dân ta chủ yếu bằng thuế khóa, phu phen, tạp dịch. Nhân dân phải đóng hàng trăm thứ thuế vô lý, trong đó thuế thân (còn gọi là sưu, thuế đinh) là thứ thuế nặng nề nhất. Nam giới từ 18 tuổi đến 60 tuổi phải đóng thuế đinh từ 2,5 đồng đến 3,5 đồng một năm[1]. Ngoài việc phải đóng các loại thuế như thuế đinh, thuế điền (thuế ruộng), người dân trong xã còn phải đóng các khoản phụ thu lạm bổ, với các thứ phải biếu xén, quà cáp.


Tệ mua quan bán chức diễn ra, những người có tiền mua danh, mua chức để lấy ngôi vị trong làng, xã; được miễn phu phen, tạp dịch hay được xếp ăn uống, chè chén cùng hàng chức sắc khi làng có việc tế lễ, đình đám, cưới xin, tang ma. Nhà có điều kiện thì tranh mua chức, mua ngôi thứ cho con trai. Tiền mua các hàng chức như: Lý Tăng 50 đồng, phó Tăng 40 đồng, phó nhiêu 25 đồng, quan viên 5 đồng... Người nào khi mua được chức sắc phải mổ một con lợn, làm một bữa cơm rượu khao các chánh, phó lý, kỳ hào trong làng. Nhà nghèo khó không mua được chức sắc, ngôi vị thì trở thành cùng đinh trong xã hội, suốt đời phải đi phu phen, tạp dịch.


Dưới thời phong kiến thực dân ở Cự Đồng, những địa chủ có thế lực trong xã được coi là nhiều ruộng đất nhất cũng chỉ có trên dưới 10 mẫu ruộng, chủ yếu tự canh tác là chính, việc phát canh thu tô chỉ là phụ. Dưới địa chủ là một số ít phú nông, mỗi hộ chỉ có vài ba mẫu ruộng tự canh tác, còn đại đa số trung nông và bần nông ít ruộng làm không đủ ăn, phải đi làm thuê kiếm sống. Một bộ phận quá nghèo khó là những bần cố nông, ruộng đất quá ít không đủ nuôi sống bản thân thì đi làm thuê, làm mướn là chính.


Mức thuế người dân phải nộp được lý trưởng phân bổ hàng vụ. Thuế ruộng tính 1 mẫu phải nộp 4 đồng 5 hào; thuế nóc nhà 5 hào 1 năm. Thuế đầu mẫu được thu vào tháng 5, mức thu là 50kg thóc/mẫu. Những năm 1943 - 1944, người dân Cự Đồng còn bị bọn Nhật bắt nhổ lúa để trồng đay cho chúng (còn gọi là nà đay). Mùa vụ thuế, trống đánh thúc thuế liên hồi kéo dài 3 - 5 ngày. Nhà nào không đóng kịp bị lính phiên tuần bắt về nhà lý trưởng đánh đòn, hẹn ngày nộp đủ.


Vì sưu cao, thuế nặng, không có tiền nộp thuế người dân phải bán trâu, bán ruộng, bán lúa. Mỗi năm, xóm nào cũng có 3 - 5 hộ không có tiền nộp thuế, phải đi cấy thuê, cuốc mướn cho một số gia đình ở Hoàng Xá (Thanh Thủy) hoặc phải bán ruộng. Nhiều người dân Cự Đồng còn phải cầm cố ruộng đất để lấy tiền nộp thuế (số ruộng bị bán mất khoảng 150 - 200 mẫu), hoặc phải cầm vợ, bán con, vay thóc lãi để ăn vào tháng giáp hạt. Vì thế ở xóm nào cũng có nhà đã bán hết ruộng, không còn thước đất cắm dùi. Nạn đói năm Ất Dậu, xã có 3 người bị chết đói. Nhiều nhà phải phiêu bạt, ly tán đi nơi khác tìm kế sinh nhai.


Tệ nạn xã hội phát triển càng đẩy cuộc sống của người dân đến con đường cùng cực, nhất là tệ hút thuốc phiện. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Cự Đồng có 37 người nghiện, xóm nào cũng có vài người nghiện, xóm Trại Mới đã có 7 người. Tệ cờ bạc, nghiện hút làm cho nhiều người phải bán hết tài sản, cầm vợ, bán con. Bên cạnh đó, tệ mê tín dị đoan lan tràn. Nhiều người làm nghề thầy cúng, thầy bói, thầy mo chuyên sống bằng việc cúng bái, ăn lễ ăn tiền của dân.


Cự Đồng khi xưa, bọn thực dân, phong kiến thực hiện chính sách ngu dân, bần cùng hóa cực kỳ nguy hiểm và thâm độc. Trong suốt thời gian đô hộ, thực dân Pháp không hề chú ý đến việc học hành của dân ta. Cả xã không có trường học, hơn 95% dân số không biết chữ. Ai muốn đi học chữ thì phải học nhờ ở xã Thắng Sơn. Lúc đó, cả xã có khoảng 10 - 17 học sinh theo học. Mãi đến năm 1943, Cự Đồng mới có một lớp học đặt ở xóm Đình Dân với số học sinh khoảng 45 em, do thầy giáo Nguyễn Văn Hoan dạy. Mỗi năm, một học sinh phải nộp 50kg thóc cho thầy thay cho học phí. Dân đinh không có đủ tiền, đủ thóc cho thầy nên đều thất học. Đặc biệt do đói nghèo cộng với tư tưởng phong kiến cố hữu nên phụ nữ không được đi học. Cũng có một số nhà giàu, có điều kiện đã đón thầy giáo ở dưới xuôi lên dạy riêng cho con cái. Trước năm 1945, cả xã chỉ có 32 người biết chữ nho, 49 người biết chữ quốc ngữ, trong đó 7 người có trình độ sơ học yếu lược (tương đương bậc tiểu học hiện nay).


Về y tế, xã không có trạm xá, nhà hộ sinh, Nhân dân ốm đau không được chữ bệnh kịp thời. Các dịch bệnh như dịch tả, lỵ, đau mắt hột, đậu mùa, sởi... phát sinh và lây lan song đều không có thuốc điều trị; nhiều trường hợp trẻ em “hữu sinh vô dưỡng”.


Mặc dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng Nhân dân Cự Đồng cũng như Nhân dân cả nước vẫn phát huy được những truyền thống quý báu của mình trong xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều thanh niên Cự Đồng đã tham gia chiến đấu cùng nghĩa quân của Đốc Ngữ (1887 - 1892), đánh nhiều trận làm cho bọn địch phải kinh hoàng. Phát huy những truyền thống đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Cự Đồng cùng Nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.




 
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Sơ kết 06 tháng đầu năm 2023 của VKSND tỉnh Phú Thọ
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1